Cước tàu biển khởi hành từ châu Á tăng 150% trong năm 2020
Hãng tàu đầu tiên thông báo không nhận vận chuyển hàng hóa nông nghiệp từ Mỹ là Hapag-Lloyd (Đức). Hồi cuối tháng 10, hãng tàu này thông báo tạm ngừng nhận hàng hóa nông nghiệp đóng container xuất khẩu từ Bắc Mỹ. Gần đây, các hãng tàu khác bao gồm Evergreen (Trung Quốc) và ZIM (Israel) cũng ra các quyết định tương tự.
Lý do đằng sau việc từ chối nhận đơn hàng xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp Mỹ là tính kinh tế và thiếu container rỗng để xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc xung quanh thế giới.
Hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu của Mỹ có cước phí vận chuyển thấp hơn và thường mất nhiều thời gian hơn để tháo dỡ hàng. Các hãng tàu có thể kiếm lợi nhuận lớn hơn nhiều bằng cách xoay vòng container rỗng trở về Trung Quốc để đóng hàng xuất khẩu có giá trị cao như thời trang, điện tử, đồ chơi trên các tuyến xuyên Thái Bình Dương.
Giá cước tàu biển tăng vọt trên thế giới trong những tháng qua khi các nhà máy ở châu Á tái mở cửa và công suất vận chuyển hàng nhanh chóng được sử dụng hết, đẩy tăng chi phí vận chuyển hàng hóa sang các bờ biển Tây bán cầu. Hiện nay, chỉ số cước vận chuyển container Thượng Hải, theo dõi cước phí tàu biển khởi hàng từ châu Á, đã tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các hãng tàu có thể yêu cầu mức cước vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ châu Á cao đến gấp tám lần so với mức cước mà các nhà xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp ở Mỹ sẵn sàng chi trả. Lars Jensen, Giám đốc điều hàng Công ty tư vấn SeaIntelligence Consulting, nói: “Tình trạng khan hiếm tàu và container rỗng nghiêm trọng đến mức giờ đây giá cước tàu biển có thể tăng không điểm giới hạn và chỉ phụ thuộc vào mức các chủ hàng sẵn sàng chi trả”.
Theo Wall Street Journal, CNBC